[Tài liệu nghiên cứu] Hậu quả của việc ly hôn đối với người lớn và trẻ em [Paul R. Amato]

Tôi sử dụng góc nhìn "ly hôn-căng thẳng-điều chỉnh / divorce-stress-adjustment" để tổng kết và sắp xếp dữ liệu thực nghiệm về hậu quả của việc ly hôn đối với người lớn và trẻ em. Bài tổng quan của tôi dựa trên nghiên cứu trong những năm 1990 để trả lời năm câu hỏi: Người từ gia đình đã kết hôn và đã ly hôn khác nhau như thế nào về mặt phúc lợi (well-being)? Những khác biệt này có do ly hôn hay do sự lựa chọn ban đầu? Những khác biệt này có phản ánh một cuộc khủng hoảng tạm thời (temporary crisis) mà hầu hết mọi người dần dần thích nghi hay đó là những áp lực cuộc sống ổn định kéo dài ít nhiều mãi mãi? Những yếu tố nào làm trung gian cho tác động của việc ly hôn đối với sự điều chỉnh cá nhân? Và cuối cùng, những yếu tố điều tiết (yếu tố bảo vệ) nào giải thích sự biến thiên cá nhân trong việc thích nghi với ly hôn? Nói chung, các nghiên cứu tích lũy cho thấy việc giải tán hôn nhân có khả năng tạo ra rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống của mọi người. Nhưng mọi người phản ứng rất khác nhau. Ly hôn mang lại lợi ích cho một số cá nhân, khiến một số khác trải qua sự suy giảm tạm thời về phúc lợi, và đẩy một số người vào quỹ đạo đi xuống mà từ đó họ có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn. Hiểu được các điều kiện bất ngờ ẩn bên dưới khiến ly hôn dẫn đến những kết quả đa dạng này là ưu tiên cho các nghiên cứu trong tương lai.

-

Trong tất cả những thay đổi về đời sống gia đình trong thế kỷ 20, có lẽ sự gia tăng tỷ lệ ly hôn là điều đáng chú ý nhất và có hậu quả sâu rộng nhất. Vào giữa thế kỷ 19, chỉ khoảng 5% cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc bằng ly hôn (Preston & McDonald, 1979). Ngược lại, các nhà dân số học ước tính rằng khoảng một nửa số cuộc hôn nhân đầu tiên được bắt đầu trong những năm gần đây sẽ kết thúc do quyết định tự nguyện chia tay [voluntarily dissolved] (Cherlin, 1992). Các nhà quan sát đã cho rằng sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, bao gồm sự tăng cường độc lập kinh tế của phụ nữ, thu nhập giảm sút của nam giới không có bằng cấp đại học, kỳ vọng ngày càng cao về sự thỏa mãn cá nhân từ hôn nhân và sự chấp nhận xã hội rộng rãi hơn với việc ly hôn (Cherlin, 1992; Furstenberg, 1994; White, 1991).

Việc tái hôn (remarriage) sau ly hôn là phổ biến, và gần một nửa số hôn nhân hiện tại liên quan đến một cuộc hôn nhân thứ hai (hoặc cao hơn) đối với một hoặc cả hai đối tác (Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ / U.S. Bureau of the Census, 1998, Bảng 157). Tuy nhiên, các cuộc hôn nhân thứ hai (và cao hơn) có khả năng tan vỡ còn cao hơn so với cuộc hôn nhân đầu tiên. Kết quả là, khoảng một trong sáu người trưởng thành phải trải qua hai hoặc nhiều cuộc ly hôn (Cherlin, 1992). Sự chuyển đổi từ mô hình hôn nhân suốt đời (lifelong marriage) là chủ yếu, sang mô hình hôn nhân liên tiếp (serial marriage) được ngắt quãng bởi các giai đoạn độc thân đại diện cho một thay đổi cơ bản trong cách người lớn đáp ứng nhu cầu về gần gũi, thân mật trong suốt cuộc đời.

Sự gia tăng trong việc tan vỡ hôn nhân đã có những ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi dưỡng và xã hội hoá (nurtured and socialized) trẻ em. Hơn một nửa số vụ ly hôn liên quan đến trẻ em dưới 18 tuổi. Hơn một triệu trẻ em trải qua việc ly dị của cha mẹ hàng năm (Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ / U.S. Bureau of the Census, 1998, Bảng 160), và khoảng 40% tổng số trẻ em sẽ trải qua việc ly dị của cha mẹ trước khi trưởng thành (Bumpass, 1990). Tỷ lệ tan vỡ hôn nhân cao, kết hợp với sự gia tăng sinh con ngoài giá thú (births outside marriage / con cái sinh bởi người mẹ chưa kết hôn chính thức), có nghĩa là khoảng một nửa số trẻ em sẽ ít nhất tạm thời sống trong các hộ gia đình chỉ có một phụ huynh, thường là với mẹ (Castro & Bumpass, 1989). Vì lý do tái hôn, khoảng một trong bảy trẻ em hiện đang sống cùng với cha mẹ [đẻ] và cha mẹ kế (Cherlin 1992), và khoảng một trong ba trẻ em sẽ sống với cha mẹ kế trong một khoảng thời gian nào đó trước khi đến tuổi 19. Những xu hướng này thay đổi theo chủng tộc. Ví dụ, so với người da trắng, người Mỹ gốc Phi có khả năng sinh con ngoài hôn nhân (con ngoài giá thú) cao hơn, khả năng ly hôn cao hơn và sau ly hôn có xu hướng sống thử (cohabit) thay vì tái hôn (Cherlin, 1992). Tuy nhiên, bất kể chủng tộc, sự giảm sút của các hộ gia đình có hai phụ huynh (two-parent households / ý là có đầy đủ bố mẹ), sự tăng lên của phụ huynh không cư trú [cha mẹ không sống cùng nhà với đứa trẻ, vì ly hôn hoặc vì chia tay, v.v..] và việc giới thiệu bạn đời mới của phụ huynh (dù đã kết hôn hay sống thử) vào nhà là những biến đổi lớn trong cuộc sống của trẻ em ở Mỹ...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Tài liệu nghiên cứu] Lý thuyết các Chiến lược Tình dục: Một góc nhìn Tiến hóa về Hẹn hò ở Người [David M. Buss và David P. Schmitt]

[Tài liệu nghiên cứu] Vẻ đẹp và quái vật: cơ chế của sự chọn lọc giới tính ở người [David A. Puts]

[Tài liệu nghiên cứu] Tại sao họ không kết hôn? Rào cản đối với hôn nhân trong số những người có hoàn cảnh khó khăn [Kathryn Edin và Joanna M. Reed]